Photo: Runnerworld

PHÂN BIỆT GIÀY CHẠY BỘ: GIÀY CHẠY ĐƯỜNG BẰNG (ROAD)

Giày và Phụ kiện 13 Th07 2023

Đã là một runner, dù là mới chạy hay đã có kinh nghiệm, chắc hẳn đã có lần bạn lúng túng khi chọn cho mình một (vài) đôi giày để tập luyện và đi race, ngay cả với Core team của VietMarathoners cũng vậy. Thế nên bài viết này đã ra lò, nhằm giúp bạn dễ dàng hơn trong việc phân loại và chọn ra những đôi giày phù hợp với mình.

Giày chạy bộ nói chung là một khái niệm khá rộng, thông thường các hãng giày sẽ chia thành 2 loại chính là: giày chạy đường bằng (phẳng, road) và giày chạy đường mòn (trail), trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về giày chạy đường bằng (road) nhé.

Để chọn ra một đôi giày phù hợp với mình, thường sẽ có các tiêu chí sau:

  • Mục đích sử dụng giày: giày tập hằng ngày, giày tập bài tốc độ, giày tập bài long run, giày đi race, …
  • Khả năng hỗ trợ: giày cho người chân bẹt, giày cho người đáp ngoài, đáp trong, …
  • Thiết kế, màu sắc, độ bền, …
  • Giá tiền.
Vietmarathoners Team

Giày chạy đường bằng thường được chia làm 3 loại chính: giày chạy hằng ngày, giày chạy các bài tốc độ và giày chạy đua (race).

  • Giày chạy hằng ngày (Daily running shoes): là dòng giày chạy đa năng, phù hợp với nhiều loại bài tập và nhiều đối tượng tập luyện từ người mới tập cho đến người đã có kinh nghiệm. Đặc điểm của dòng giày này là độ bền cao, thiết kế hỗ trợ đầy đủ, đế và lớp đệm dày, đảm bảo đáp ứng khá đa dạng địa hình đường chạy. Nhược điểm của dòng giày này thường là hình thức cồng kềnh, nặng nên khá hạn chế khi tập các bài tốc độ hay chạy dài. Những dòng giày tập của các hãng mà bạn có thể tham khảo:

NIKE: Pegasus

ADIDAS: Ultra Boost, Boston

ALTRA: Torin

ASICS: Nimbus, Novablast

BROOKS: Glycerin, Ghost

HOKA: Bondi, Clifton

ON: Cloud Monster

SAUCONY: Triumph

Photo: Runnerworld
  • Giày chạy tốc độ: đặc điểm của dòng này là nhẹ, độ nảy tốt hơn đổi lại thì sẽ không hỗ trợ đầy đủ như dòng giày chạy hằng ngày, độ bền sẽ kém hơn, đế nhanh mòn hơn. Phù hợp cho việc tập các bài tốc độ hoặc race các cự li 5km, 10km và Half marathon. Những dòng giày tốc độ các bạn có thể tham khảo của các hãng:

NIKE: Zoom Fly

ADIDAS: Takumi Sen

ALTRA: Rivera

ASICS: DS Trainer, Hyper Speed, Magic Speed

BROOKS: Launch

HOKA: March

ON: Cloud Flow

SAUCONY: Kinvara, Endorphin Speed  

Photo: filip-mroz-XCkRGOX2VgM-unsplash
  • Giày đua: thường có thiết kế tối ưu nhất cho cự li Half marathon và Full marathon, được trang bị vật liệu công nghệ cao như tấm cacbon, lớp đệm với công nghệ mới nhất của các hãng giày. Nhược điểm của dòng giày này tất nhiên là giá thành cao và độ bền kém hơn hai dòng giày kia. Một số dòng giày race của các hãng:

ALTRA: Vanish Tempo (2022)

ASICS: Metaspeed

BROOKS: Hyperion Elite

HOKA:  Cacbon X

NB: Fuelcell TC

NIKE: Vaporfly 2(3), Alphafly 2

ADIDAS: Adios Pro

ON: CloudTri

SAUCONY: Endorphin Pro, Pro Elite

Photo: candra-winata-CYOFvtpOIpU-unsplash

Sau khi lượn quanh phố phường, lượn qua thị trường thì chắc bạn cũng phần nào hiểu được vì sao thế giới giày chạy lại phong phú, đa dạng rồi đúng không nào? Và có một điều lạ nữa là những runner kinh nghiệm thường sẽ có ít nhất 2-3 đôi giày để tập, vì sao lại như vậy? Lí do đầu tiên tất nhiên là mỗi đôi giày sẽ dùng cho buổi tập phù hợp với công dụng của nó, rất khó để tìm ra một đôi giày có thể dùng cho mọi bài tập, và nếu có thì cũng sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Lí do thứ hai là Đa dạng hóa trải nghiệm: Mỗi đôi giày chạy đường có thiết kế và đặc tính riêng biệt. Bằng cách sở hữu nhiều đôi giày, bạn có thể trải nghiệm các loại giày khác nhau và tận hưởng những lợi ích mà chúng mang lại. Có thể một đôi giày có độ đàn hồi tốt, phù hợp cho các buổi chạy dài, trong khi một đôi khác có thiết kế nhẹ nhàng và linh hoạt, phù hợp cho các buổi chạy tốc độ. Đa dạng hóa trải nghiệm giúp bạn tìm ra những đôi giày phù hợp với nhu cầu và phong cách chạy của mình.

Photo: miguel-a-amutio-QDv-uBc-poY-unsplash

Lí do tiếp theo là Giảm nguy cơ chấn thương: Khi bạn chạy, áp lực và tác động tập trung vào một số điểm xương và cơ nhất định trên chân. Nếu bạn chỉ sử dụng một đôi giày, những điểm này sẽ chịu tải trọng quá mức do chịu lực liên tục trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn đến chấn thương và đau chân. Bằng cách sở hữu nhiều đôi giày, bạn có thể thay đổi giày thường xuyên để giảm nguy cơ quá tải và tác động lên các điểm xương và cơ. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương và duy trì sức khỏe chân tốt hơn. Một lí do nữa để bạn không nên dùng chỉ một đôi giày là sau một thời gian chạy đôi giày này sẽ xuống cấp, đế mòn, lớp đệm sẽ xẹp, không còn hỗ trợ tốt như lúc đầu. Việc xuống cấp này diễn ra khá từ từ và cộng với việc bạn sử dung quá thường xuyên dẫn đến khả năng cảm nhận sự thay đổi, xuống cấp sẽ bị hạn chế, nhất là với những newbie. Và kết quả là vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên bạn thấy đau chân và đôi giày đã xẹp đế

Cuối cùng, về mặt kinh tế thì việc dùng duy nhất một đôi giày chạy cũng không tiết kiệm được nhiều hơn so với dùng 2-3 đôi giày cùng một lúc, đơn giản là bạn dùng một đôi giày thì nó sẽ nhanh hỏng hơn so với dùng song song 2-3 đôi. Nếu bạn dùng 2-3 đôi giày thì kinh phí bỏ ra lúc đầu có thể cao hơn nhưng bù lại các bài tập sẽ hiệu quả hơn và nguy cơ chấn thương cũng thấp hơn so với dùng một đôi giày.

Photo: gary-butterfield-XGKSeGYGP0A-unsplash

Qua những phân tích trên chắc bạn đã hình dung được phần nào sự đa dạng của giày chạy bộ và xu hướng chọn giày cho các bài tập của mình, về cách chọn giày cụ thể thì bạn có thể tham khảo thêm bài viết "Chọn lựa giày cho người mới bắt đầu". Quan điểm của VietMarathoners là "Độ chân trước khi độ giày", tức là đôi giày chỉ là công cụ hỗ trợ để bạn đạt được kết quả tốt chứ không phải là nhân tố quyết định, không phải cứ mua một đôi giày đời mới nhất, đẹp nhất, đắt nhất là bạn sẽ chạy tốt. Đôi chân khỏe mạnh, bền bỉ mới là yếu tố chính và để được như vậy thì chắc chắn là bạn phải có một kế hoạch tập luyện tốt, làm việc chăm chỉ, kỷ luật, khi đó đôi giày tốt mới phát huy hết được khả năng của nó và cả của bạn. Chúc bạn sớm chọn được những đôi giày phù hợp với mình!

VietMarathoners team

Chuyên mục