HEART RATE MONITOR - LIỆU CÓ CẦN?

Giày và Phụ kiện 22 Th05 2024

Gần đây, câu hỏi tôi thường nhận được khi chạy cùng anh chị em đó là: 

“Anh đeo cái gì đây? Holter đo nhịp tim giống như cái ở bệnh viện ạ?” 

“Đai tim đấy hả? Sao không dùng cái đeo ở ngực ý?” 

“Cái này đo chuẩn không em? So với đồng hồ thì nó như nào?” 

Chạy bộ tưởng chừng đơn giản, nhưng đến một ngưỡng nào đó thì có vẻ nó không còn đơn giản nữa. Nhất là khi bạn thực sự muốn gắn bó với chạy bộ, khi mà nhu cầu tập luyện là để khoẻ khoắn hơn, để vươn tới những mục tiêu xa hơn. 

Ngày mới chạy, tôi có mỗi đôi giày thể thao xỏ vào chân và cứ thế phi hùng hục. Nhưng sau này nhìn lại, tôi phát hiện ra là đôi giày ấy không phải là giày chạy, nó là giày chơi cầu lông, và lại còn là … hàng “pha-ke” nữa. Những năm tháng sau này, khi nhu cầu tập luyện ngày càng tăng lên với những mục tiêu dài hơn, xa hơn, tôi hiểu rằng việc có những thiết bị trợ giúp mình trong các bài tập cũng như để kiểm tra và theo dõi chất lượng tim mạch thực sự rất cần thiết. Cùng với đồng hồ thông minh thì đai đo nhịp tim (Heart Rate Monitor) là hai phụ kiện không thể thiếu trong mỗi bài tập của tôi. 

Tính tới hiện tại, tôi đang sở hữu 2 loại đai đo nhịp tim. Một của Coros và một của hãng khác. Sau một thời gian dài sử dụng và so sánh sự khác biệt, tôi nhận thấy sự khác biệt chủ yếu nằm ở trải nghiệm của người dùng. Sự tiện lợi, đơn giản, dễ sử dụng của đai tim Coros khiến tôi sử dụng loại này nhiều hơn loại còn lại. Tất nhiên, để so sánh hơn thua giữa các thiết bị thì tôi không nghĩ là cần thiết bởi mỗi loại thiết bị sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Chính vì vậy, trong khuôn khổ một bài viết để chia sẻ về thiết bị, tôi chỉ đưa ra sự khác biệt về cảm nhận trong quá trình sử dụng mà thôi. 

Vậy thì chúng ta mong chờ gì khi mua một thiết bị cảm biến đo nhịp tim khi tập luyện? Tất nhiên câu trả lời vẫn là: “Để đo nhịp tim!”, nhưng nếu bạn mong chờ nhiều hơn thế, ví dụ như việc cảm biến này đo đếm được thêm những thông số khác như nhịp chân (Cadence), chiều dài sải (Stride Length), thời gian tiếp đất (Ground Contact Time), tốc độ tại thời điểm đo lường, v.v. thì cảm biến nhịp tim của Coros sẽ không cung cấp đâu. Bởi Coros HR Monitor chỉ đơn giản đo nhịp tim với cảm biến quang học, và nó thực hiện duy nhất một chức năng đó mà thôi.

Sau một thời gian tương đối dài trải nghiệm cả hai loại đai tim, với chức năng đo nhịp tim thì tôi thấy không có sự khác biệt về chỉ số trong các bài tập có cường độ, điều kiện tập luyện như nhau. Do đó có thể khẳng định về độ chính xác của cả hai loại đai tim là đều tốt hơn so với chỉ sử dụng đồng hồ. Cũng có thể nói thêm rằng vào những ngày oi nóng, hoặc lạnh và hanh khô thì cảm biến ở đồng hồ thường có trạng thái nhận tín hiệu đo ở cổ tay không thực sự chính xác do ảnh hưởng bởi lực đánh tay, hoặc đơn giản là lưu lượng máu tới cổ tay giảm khi trời lạnh. Ngoài ra, đôi khi đồng hồ còn bị lỗi “Cadence Lock” và nhận nhầm nhịp chân (Cadence) là nhịp tim rồi cứ thế khoá thông số ở ngưỡng đó… Thế là sai toét.

Với cá nhân tôi, một người tham lam muốn theo dõi đầy đủ thông số tim mạch một cách chính xác thì việc sử dụng đai tim (cho dù là loại nào đi chăng nữa) là cần thiết cho mỗi bài tập nếu bạn thật sự muốn theo dõi thông số tập luyện một cách chính xác và nghiêm chỉnh. Và để bạn có thể chọn lựa loại đai tim phù hợp với mình, tôi sẽ đưa ra một bảng so sánh dựa trên cảm nhận cá nhân sau khi sử dụng hai loại đai tim như sau: 

Với Coros, bạn sẽ thấy thích vì: 

  • Đai tim sẽ đeo, dễ sử dụng và trông … khá ngầu 😄, Dây đeo bắt chặt vào bắp tay, không xê dịch kể cả qua một bài tập dài. 
  • Thiết kế đẹp, gọn và nhẹ. Theo thông số nhà sản xuất đưa ra thì cảm biến nặng có … 19 gram mà thôi. 
  • Độ chính xác mà đai tim đeo ở bắp tay gần như đồng nhất với đai tim đeo ở ngực. 
  • Thời lượng sử dụng khá lâu, tôi thường chạy 70-80km/tuần và phải 3-4 tuần tôi mới phải sạc một lần qua dây sạc với cổng USB. Và quan trọng là cảm biến sẽ chuyển màu đỏ để báo cho bạn biết là bạn cần sạc vì khi đó pin của đai tim chỉ còn dưới 10% mà thôi. 

Không rõ với mọi người như thế nào, nhưng đai tim đeo ngực của tôi thường bị tụt hoặc lỏng ra, làm mình đã mệt do bài chạy thì chớ lại còn phải vừa chạy vừa kéo lại đai lên … Đôi khi sự xê dịch này làm ảnh hưởng tới chức năng đo nhịp tim, và có thể không chính xác ở một vài thời điểm khi chúng ta thay đổi vị trí của thiết bị. Đây cũng là nhược điểm lớn nhất và bất tiện nhất với tôi khi sử dụng đai tim đeo ở ngực. Vì thế, sau một thời gian sử dụng, tôi có xu hướng sử dụng đai tim Coros nhiều hơn hẳn. 

Bạn sẽ không hợp với Coros HR Monitor nếu: 

  • Bạn mong chờ nhiều thông số phụ khác trong khi Coros chỉ đo mỗi nhịp tim
  • Bạn không ngại các thủ tục mà các loại đai tim đeo ngực “cần phải thực hiện” trước mỗi bài tập (ví dụ như bạn cần làm ướt các cảm biến của đai trước khi đeo lên ngực để đai hoạt động ổn định và chính xác. Với tôi thì không phải vấn đề vào mùa hè, nhưng thực sự mùa đông lạnh mà cứ phải đeo cái đai ướt lên ngực thì … rùng mình luôn). 
  • Thời lượng pin của đai khá lớn, nhưng tôi không biết rõ là khi nào nó sẽ hết vì không có cảm biến thông báo. Chỉ là nó sẽ tự ngắt nếu hết pin mà thôi. 

Để đưa ra lời khuyên là có nên dùng các loại HR monitor hay không thì tôi khẳng định là nên. Tuy nhiên, bạn cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của chính mình để cân nhắc việc có móc ví mua một cái hay không nhé. 

Chúc các bạn luyện tập an toàn và hiệu quả. Và nếu bạn có thời gian, hãy đến tham gia buổi chạy dài cùng chúng tôi nhé. 

Chuyên mục