Photo by lucas Favre / Unsplash

CHẠY DƯỚI MƯA CÓ NÊN HAY KHÔNG?

Trong một bài viết rất gần đây, VietMarathoners đã từng nói về việc chạy trong mùa nóngmùa lạnh. Thế nhưng chạy bộ, nhất là với chạy bền đường dài thì không chỉ có mỗi nóng và lạnh, còn có cả chuyện mưa gió nữa. Thời tiết luôn là một yếu tố khó lường và ảnh hưởng nhiều tới việc tập luyện cũng như thành tích trong thi đấu. 

Bạn sẽ luôn có nhiều câu hỏi trong đầu, luôn có những luồng tư tưởng đấu tranh khi cơn mưa ập tới, và nó ảnh hưởng tới quyết định tiếp tục tập hay dừng. Chúng tôi sau quá trình trải nghiệm với nhiều cơn mưa, với nhiều thử thách, thành công cùng nhiều lần “gãy” bài đã tổng hợp ra một số thông tin có thể giúp bạn đưa ra quyết định cho việc tập luyện trong những kiểu thời tiết cực đoan của mùa mưa nhé.

Trước tiên, phải khẳng định là chúng tôi không cổ suý cho việc chạy mưa, cũng giống như không cổ suý cho việc chạy trong thời tiết quá nắng nóng bởi đôi khi lợi ích thu được qua bài tập thì chẳng bao nhiêu mà trái lại làm cho bạn mệt mỏi, cơ thể chậm phục hồi hơn trong những điều kiện thời tiết thông thường. 

Nhưng …  chẳng lẽ cứ mưa thì nghỉ tập hay sao? Vậy thì làm sao để đưa ra quyết định cho việc tập hay nghỉ nếu trời mưa? Chúng tôi thường quyết định tập nếu: 

  • Trời đã mưa xong, hoặc chỉ còn mưa nhỏ hoặc bạn đang chạy thì trời đổ mưa, nhưng cơn mưa không bao gồm sấm sét và gió lốc… 
  • Tại thời điểm bạn bắt đầu tập, trời không có gió to, giông lốc: Thật đấy vì chúng ta chẳng nên mạo hiểm chạy trong điều kiện mưa kèm gió lớn bởi cây trồng đô thị rất dễ nghiêng đổ trong những kiểu thời tiết như thế này. 
  • Chỉ tập khi không có dấu hiệu của sấm sét! Hãy lưu ý điều này một cách tuyệt đối, kể cả là bạn chưa bắt đầu bài tập hay đang tập dở bài. Hãy dừng lại ngay lập tức và tìm một chỗ trú an toàn nếu trời có sấm sét. 
  • Liệu nghỉ tập thì lịch tập tổng thể có thay đổi được mà không ảnh hưởng tới hiệu suất tập luyện trong ngắn hạn không? Câu trả lời thường là có, nhưng chúng ta có thể bù đắp! Do đó hãy thảo luận với coach của bạn để đưa ra phương án tối ưu nếu cần nhé. 

Vâng, nếu điều kiện nêu trên cho phép và bạn quyết định tập thì phần nội dung dưới đây chắc hẳn sẽ giúp ích cho bạn đôi chút đây. Hãy chú ý đến: 

  • Lựa chọn giày và đường chạy: Trời mưa và việc chạy trên nền đá với một đôi giày có đế khá trơn sẽ là một lựa chọn sai lầm, bạn sẽ đùng cái ngã oạch ra đấy và mọi thứ sẽ tệ hại cả tuần sau đó. Hãy chủ động tìm hiểu xem đôi giày nào trong số các đôi giày mà bạn có là đôi có độ bám tốt để sử dụng khi trời mưa nhé. Ngoài ra, khả năng thoát nước của đôi giày mà bạn sử dụng cũng là một yếu tố nên cân nhắc đến, có rất nhiều đôi giày sẽ trở thành lọ hoa di động bởi khả năng “kín mít" không thoát nước của chúng. Bài chạy của bạn khi đó chắc chắn sẽ là một thảm hoạ. 
  • Bảo đảm tầm nhìn trong khi chạy: Hãy đội mũ: Mũ chạy luôn có phần lưỡi chai, và nếu cơn mưa có ập tới thì chúng ko tạt vào mặt bạn, không cản trở tầm nhìn của bạn. Việc giữ khả năng quan sát tốt sẽ giúp bạn né tránh chướng ngại vật, phương tiện lưu thông trên đường (nếu có) hoặc những ổ gà trên đường vốn bị nước mưa lấp đầy … 
  • Luôn mặc quần áo chạy thoáng, có khả năng thoát nước và có kèm phản quang: Tầm nhìn của bạn có thể bị giới hạn phần nào trong mưa, và vì thế những người khác cũng không tránh khỏi đâu. Do đó việc “tự đánh dấu" mình để người và phương tiện lưu thông trên đường thấy bạn một cách rõ ràng là điều cần thiết đấy! 
  • Đảm bảo bù nước cho cơ thể: Đừng nghĩ trời mưa mát thì bạn sẽ không cần bù nước nhé, việc vận động liên tục trong cường độ cao vẫn làm bạn mất nước đấy. 
  • Tắm nước ấm, thay đồ khô ngay sau bài tập: Trong khi tập, cơ thể bạn sinh nhiệt liên tục và giúp bạn không bị nhiễm lạnh. Nhưng khi dừng tập thì cái lạnh sẽ kéo đến một cách âm thầm. Do đó, bạn cần sớm hoàn thành mọi thủ tục và đi tắm, thay đồ khô để tránh bị cảm lạnh nhé. 
  • Về thời lượng tập: Bạn không nên “đày đoạ” bản thân quá lâu trong mưa, thời gian tập nếu có thể nên giới hạn tối đa là 60 phút
  • Ngoại trừ vấn đề sấm chớp, gió lốc bạn cũng nên dừng bài tập nếu cảm thấy quá mệt, ớn lạnh hoặc chóng mặt ... 
  • Đảm bảo dinh dưỡng và ngủ đủ giấc sau các bài tập để cơ thể phục hồi tốt hơn. 

Cá nhân tôi đã không ít lần phải dừng bài chạy vì mưa, tôi thất thểu đi về trong trạng thái mệt mỏi, nhưng tôi vẫn cho rằng đó là quyết định đúng đắn bởi những hôm đó, trời mưa lớn, gió giông đùng đùng kèm theo sấm sét. 

Bài chạy có thể dang dở, nhưng quá trình tập luyện thì không! Việc bỏ lỡ một vài bài tập vì những lý do thời tiết cực đoan là điều không tránh khỏi trong mùa tập luyện. Nhưng chắc chắn với tôi đó không phải là cái cớ để trì hoãn việc tập luyện cho một giai đoạn. Thời tiết với tôi chỉ là một trong những yếu tố để cân nhắc việc tập luyện cho phù hợp hơn mà thôi. Việc nên hay không nên tập một bài tập trong điều kiện thời tiết bất lợi khi đó sẽ được tính toán để cả quá trình tập luyện ít bị ảnh hưởng nhất!  

Chúng ta nên nhớ rằng việc tập luyện là lâu dài chứ không phải chỉ qua một vài bài tập, nên việc “bỏ lỡ" một vài bài tập do yếu tố thời tiết cực đoan đôi khi lại là cơ hội để chúng ta nghỉ ngơi và thực hiện việc tập luyện bổ trợ. Nhưng bạn hãy cố gắng làm chủ lý trí để không thỏa hiệp, lấy cớ nghỉ ngơi quá nhiều và tiếc nuối khi nhìn lại quá trình tập luyện lồi lõm với kết quả tồi tệ khi chạy giải nhé. Như một người nào đó từng nói: “Không tập luyện thì đừng mong thành quả. Vì thế đừng thỏa hiệp với sự lười nhác vốn ẩn sâu trong tâm trí chúng ta!” 

(Credit ảnh: Các ảnh trong bài được sử dụng từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu do các nhân vật trong ảnh cung cấp và từ chương trình longrun hàng tuần hợp tác giữa VietMarathoners x ART Hà Nội x LDR)

Chuyên mục