Thực hiện kiểm tra rạn xương bàn chân

Các anh chị đang băn khoăn không biết vấn đề ở chân mình là gì? Bài viết này sẽ giải thích chính xác cách kiểm tra rạn xương các anh chị nhé!

Rạn xương, đặc biệt là ở chân, là một trong những chấn thương có thể khiến bạn phải nghỉ tập trong nhiều tháng, vì vậy việc chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo chấn thương và duy trì phòng ngừa chấn thương là rất quan trọng.

Bác sĩ Jordan Metzl, bác sĩ chuyên khoa thể thao tại Bệnh viện Chỉnh hình New York và là tác giả của chương trình tập luyện IronStrength, giải thích về chứng rạn xương bàn chân, cách thực hiện kiểm tra cũng như cách phòng ngừa những loại chấn thương này ngay từ đầu.

Những điều cần biết về rạn xương bàn chân 

Rạn xương là một vết nứt nhỏ trên bề mặt của xương, thường xảy ra ở cẳng chân hoặc bàn chân đối với những người tập chạy. Rạn xương thường xảy ra khi chúng ta tăng cường cường độ và khối lượng tập luyện trong vài tuần đến vài tháng. Đau nhức và căng cơ có thể tăng lên trong khoảng thời gian này, và một điểm đau cụ thể có thể hình thành ở khu vực của xương bị tổn thương.

BS Meltz cho rằng, những phản ứng của chấn thương do quá tải thường bắt đầu với hiện tượng sưng nề ở trong xương, những triệu chứng này càng ngày càng trở nên nghiêm trọng, và bạn càng không chú ý đến nó thì nguy cơ xảy ra rạn xương càng cao.  

Nếu bạn cảm thấy cơn đau trở nên trầm trọng và ngày càng tăng lên, hãy gặp bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức, vì việc tiếp tục tập luyện sẽ chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn. “Giống như hầu hết các chấn thương do quá tải, triệu chứng càng rõ rệt và bạn càng cố gắng chạy bỏ mặc cơn đau, chấn thương này sẽ càng nặng thêm,” bác sĩ Metzl nói.

Ảnh: Baptist Health

Cách thực hiện kiểm tra rạn xương 

Theo bác sĩ Metzl, có ba cách chính để kiểm tra rạn xương ở chân tại nhà:

  1. Xuất hiện những điểm đau trên chân
  2. Sưng và/hoặc bầm tím
  3. Có sự thay đổi trong dáng chạy của bạn

Để cảm nhận vị trí đau, bạn hãy thực hiện động tác nhảy nhẹ tại chỗ bốn đến năm lần trên chân bị chấn thương. Nếu bạn cảm thấy đau khi tiếp đất hoặc đau ở giữa xương cẳng chân, đó có thể đó là dấu hiệu của rạn xương.

Sưng tại chỗ có chấn thương cũng là một dấu hiệu hay gặp. Vị trí dễ quan sát nhất hiện tượng sưng nề là vùng mu bàn chân, khi đó các tĩnh mạch ở mu chân sẽ khó quan sát thấy khi so sánh với bên chân lành. Bất kỳ hiện tượng sưng nề hay bầm tím cũng đều là những biểu hiện của rạn xương, và nên được thăm khám với bác sĩ.

Cuối cùng, dáng chạy bị thay đổi cũng có thể là dấu hiệu của việc bạn đang bị rạn xương. “Nếu bạn nhận thấy bạn không tiếp đất trên chân của bạn theo cách thường làm vì nó quá đau, hãy kiểm tra nó ngay,” bác sĩ Metzl nói.

Tóm lại, rạn xương có thể dễ dàng được chẩn đoán về mặt lâm sàng. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình bị rạn xương, hãy bỏ qua việc tự kiểm tra tại nhà và đi khám để đảm bảo sức khỏe cho bản thân .

Những nguyên nhân phổ biến gây ra rạn xương

Có một số yếu tố có thể dẫn đến rạn xương. Thứ nhất là tăng khối lượng bài tập luyện quá nhanh. “Xương cần thời gian để làm quen với lực tải tăng lên của việc chạy, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn cho xương của mình đủ thời gian,” bác sĩ Metzl nói.

Địa hình tập luyện mới (ví dụ như nhiều dốc hơn) hoặc giày mới (hoặc đã cũ) cũng có thể ảnh hưởng đến mức tải mà chân bạn đang phải chịu, làm tăng nguy cơ rạn xương.

Những người bị chứng đáp bàn chân lệch trong (overpronate) có nguy cơ rạn xương cao hơn vì họ phải chịu lực tải nhiều hơn ở phần trong của bàn chân. Tình trạng loãng xương cũng có thể là nguyên nhân gây ra rạn xương. Yếu tố di truyền và cả việc không nhận đủ canxi trong chế độ ăn uống có thể gây ra vấn đề này. Bác sĩ của bạn có thể yêu cầu xét nghiệm mật độ xương để xác định bạn có nguy cơ này hay không.

Thêm vào đó, hai nghiên cứu từ Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia đã tìm cách xác định các yếu tố sinh lý thường hay bị bỏ qua và sự thiếu kinh nghiệm dẫn đến rạn xương ở phụ nữ tập chạy. Họ phát hiện ra rằng những người tăng cường khối lượng tập luyện quá nhanh và những người không chú ý nhiều đến dinh dưỡng và tập bổ trợ có nguy cơ bị rạn xương cao hơn so với những người tuân thủ các khuyến nghị về khối lượng tập luyện và dinh dưỡng.

Ảnh: Richfeet.org

Cách điều trị rạn xương

Khi nghi ngờ bị rạn xương, hãy điều trị khu vực bị ảnh hưởng bằng đá lạnh và uống thuốc chống viêm theo khuyến nghị, nhưng hãy nhớ rằng rạn xương không phải là loại chấn thương tự chẩn đoán hoặc tự điều trị. X-quang hoặc chụp xương là cần thiết để kê đơn điều trị và tùy thuộc vào vị trí của vết rạn trên xương, các khuyến nghị có thể khác nhau, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.

Một số trường hợp rạn xương có thể không hiển thị trên X-quang, vì vậy các bác sĩ thường thực hiện MRI cho việc chẩn đoán vì nó có thể phát hiện cả phản ứng căng và rạn xương. (X-quang chỉ có thể phát hiện rạn xương trong trường hợp nghiêm trọng hoặc đang trong giai đoạn phục hồi.)

Một khi đã được chẩn đoán, chủ yếu bạn sẽ cần phải nghỉ ngơi và cho xương đủ thời gian để lành lại. Một điều bác sĩ Metzl lưu ý là rạn xương ở những khu vực xa tim sẽ lành chậm hơn vì nhận được ít máu lưu thông qua hơn.

Tuy nhiên, việc bị rạn xương không có nghĩa là bạn không thể tập luyện. Bạn vẫn có thể duy trì thể lực tim mạch của mình bằng các bài tập bổ trợ. Bác sĩ Metzl khuyên bạn nên chọn các hoạt động ít gây tác động lên chân, chẳng hạn như đạp xe hoặc bơi lội, nhưng hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về các hoạt động nên và không nên thực hiện trong quá trình bạn đang phục hồi. Bạn cũng có thể tận dụng thời gian này để xây dựng sức mạnh cơ bắp thông qua các bài tập kháng lực.

Khi đã sẵn sàng trở lại với việc chạy, đừng ngay lập tức quay lại với khối lượng tập luyện bạn đã thực hiện trước đó. Hãy bắt đầu với các bài tập với những khoảng chạy/đi bộ và tăng dần từ đó.

Ảnh: Gulso Podiatry

Cách phòng ngừa rạn xương

Trước hết, bác sĩ Metzl khuyên bạn nên tăng dần khối lượng tập luyện trong các buổi chạy dài của mình để cơ thể không phải gánh quá nhiều áp lực trong một khoảng thời gian quá gấp. Các chuyên gia khuyến nghị tăng số kilomet hàng tuần của bạn không quá 10% mỗi tuần.

Bác sĩ Metzl cũng khuyên bạn nên rút ngắn sải chân và tăng số nhịp chân. Một nhịp chân từ 80 đến 90 bước mỗi phút với chân phải (160 đến 180 bước với cả hai chân) có thể giảm nguy cơ chấn thương.

Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn nhận đủ canxi trong chế độ ăn uống của mình để phòng ngừa loãng xương. Những người trưởng thành khi tập chạy nên đặt mục tiêu tiêu thụ 1000 miligam canxi mỗi ngày, và một nguồn canxi tốt nên chứa ít nhất 100 miligam mỗi khẩu phần. Các thực phẩm như sữa chua, sữa, phô mai, đậu hũ, và ác loại rau có lá xanh đậm đều là những lựa chọn tuyệt vời.

Chế độ dinh dưỡng nói chung có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa chấn thương. Đảm bảo cung cấp đủ lượng calo, vitamin và khoáng chất là rất quan trọng để giữ cho xương của bạn khỏe mạnh và từ đó tránh khỏi bị rạn xương.

Nguồn: https://www.runnersworld.com/