ỔN ĐỊNH TÂM LÝ KHI THAM GIA GIẢI ĐẤU

Tâm lý thi đấu vốn là một yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới thành tích cá nhân, không chỉ với các vận động viên chuyên nghiệp mà còn với cả những vận động viên phong trào. Do đã trải qua nhiều giải đấu với vai trò là người huấn luyện, người chạy giải, hoặc crew của một số giải đấu, tôi có cơ hội chứng kiến nhiều … “mảnh đời" với các trạng thái tâm lý khác nhau. 

Nhìn chung, tâm lý trở thành một rào cản, làm chúng ta cảm thấy thiếu tự tin (hoặc quá tự tin) dẫn đến những hệ luỵ: 

  • Mất ngủ trước giải. 
  • Không tự tin vào khả năng thực sự của bản thân dẫn đến thành tích không như mong muốn. 
  • Quá tự tin và cho rằng mình sẽ bứt phá mạnh mẽ nhưng lại … thất bại toàn tập. 
  • Tâm lý ảnh hưởng tới vấn đề dinh dưỡng trước khi giải đấu diễn ra. Nhiều người có xu hướng ăn quá nhiều, nhồi nhét để rồi tăng cân hoặc tệ hơn là … rối loạn tiêu hoá. 

Vậy làm thế nào để chúng ta ổn định tâm lý, tự tin (không thái quá) để bước vào giải đấu cho thành công? Bằng kinh nghiệm cá nhân và tổng hợp từ nhiều “sách vở" đọc được, tôi xin được tổng hợp để anh chị em cùng chiêm nghiệm. 

Đầu tiên, tại thời điểm trước khi giải đấu diễn ra 3-6 tuần, bạn hãy dành chút ít thời gian để nhìn lại quá trình tập luyện của bạn trong quãng thời gian trước đó 8 tuần. Bạn sẽ thấy rằng mình chăm hay lười, tập tốt hay không tốt với các bài tập. Lịch sử tập luyện trung hạn cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ đảm bảo cho bạn tiến gần hơn đến mục tiêu đã đề ra cho giải đấu. 

Và đặc biệt, nếu bạn có huấn luyện viên, hãy bàn bạc thật kỹ với coach xem liệu với lịch sử tập luyện đó, bạn nên hướng tới mục tiêu nào cho giải đấu. Hãy cùng huấn luyện viên bàn bạc, thảo luận và đưa ra các mốc mục tiêu chính - phụ để chúng ta luôn có cơ sở tiến hoặc lùi trong quá trình chạy giải. Và tất nhiên coach của bạn sẽ phải biết làm thế nào để làm cho mục tiêu đó trở nên khả thi, phù hợp với bạn qua lịch tập của 3-6 tuần trước khi giải đấu chính thức diễn ra. 

Việc thiết lập lại mục tiêu (bao gồm cả việc tăng hoặc giảm về mục tiêu) là hoàn toàn bình thường bởi việc tập luyện của chúng ta không phải lúc nào cũng thuận lợi. Còn tất nhiên nếu thuận lợi thì không có gì phải bàn nữa rồi! Quan trọng hơn, bạn hãy nhớ rằng việc chúng ta tập luyện nghiêm túc, thậm chí vất vả sẽ được đền đáp bằng thành tích tốt khi chạy giải. Và vì thế, hãy yên tâm, hãy … tưng tửng lên và tận hưởng không khí giải đấu thay vì lo lắng không biết ngày mai mình chạy giải sẽ ra sao, có mệt không, có đau chân không, có gãy không … 

Khi bạn tự tin, bạn vui vẻ thì rõ ràng khi leo lên giường đi ngủ đêm trước khi giải chạy chính thức diễn ra, bạn sẽ … ngủ thẳng cẳng 🤣

Còn nếu bạn là người có triệu chứng mất ngủ do căng thẳng thì việc tĩnh lặng với các bài tập thiền, hoặc tham khảo các bác sĩ chuyên khoa để có sự can thiệp trị liệu tâm lý hoặc thông qua thuốc có thể là một giải pháp. Nhưng hãy nhớ thực hiện việc này trước khi giải diễn ra vài tuần chứ đừng chờ tới khi vấn đề xảy ra, khi đó thì sẽ không kịp nữa đâu.

Những vấn đề nho nhỏ nêu trên chỉ là một phần của các yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu. Do đó, ngoài những vấn đề bất ngờ xảy đến, bạn hãy nhớ lưu tâm tới các vấn đề sau:

  • Tập luyện nghiêm túc, đầy đủ là cách tốt nhất để ổn định tâm lý thi đấu! Và đây thực sự là một quá trình các bạn ạ bởi nó bao gồm việc tập luyện theo kế hoạch đầy đủ, dinh dưỡng, bổ trợ phù hợp… Do đó, hãy bám sát kế hoạch tập luyện đã đề ra, đừng hời hợt và thiếu quyết tâm! 
  • Nghiên cứu kỹ các vấn đề ảnh hưởng tới thành tích (mà bạn không thể can thiệp) như các con dốc, hoặc các vấn đề thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, sức gió trong ngày chạy giải. Việc nghiên cứu kỹ các vấn đề này sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần tốt hơn và có chiến thuật thi đấu phù hợp. 
  • Luôn tích cực: Hãy nhớ đến lý do bạn tham gia một giải marathon. Đó không phải là chạy nhanh hơn ai mà chính là chinh phục giới hạn của chính mình. Vậy nên, hãy giữ những luồng tư tưởng tích cực thay vì so sánh, lo lắng hay nghĩ ngợi. Tôi thường vẫn ngủ ngon giấc trong đêm trước giải đấu bởi một suy nghĩ giản đơn là: “5h sáng mai mặt trời vẫn mọc thôi mà”. Hãy để kết quả rèn luyện của bạn chứng minh thành quả mà bạn xứng đáng đạt được, đừng lo lắng nghĩ ngợi gì cả, có vậy thôi! 😃
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp bạn thư giãn, thoải mái hơn về tâm lý. Do đó bằng mọi cách, hãy có một giấc ngủ ngon và đủ dài để cơ thể có trạng thái thi đấu sung mãn nhất. 
  • Dinh dưỡng phù hợp: Chắc chắn là chúng ta nên ăn uống lành mạnh trong những ngày trước khi giải chạy chính thức diễn ra. Đừng thử sức với hai môn phối hợp: “Đặc sản vùng miền” và “Ôm wc”... 🤣 Thay vào đó hãy ăn uống bình thường nhưng đủ dinh dưỡng, uống thêm men tiêu hoá nếu bạn là người có hệ tiêu hoá không được tốt cũng là một ý không tồi. 
  • Hãy chia sẻ mục tiêu và đón nhận sự động viên và hỗ trợ tinh thần từ gia đình, bạn bè. Hãy luôn nhớ rằng, bạn chẳng cô đơn chút nào, mọi người đều mong được chúc mừng bạn khi bạn chinh phục được những cột mốc mới trên đường chạy. 

Chúc các bạn có những trải nghiệm tốt đẹp, tự tin trên đường chinh phục những giải chạy. Đừng căng thẳng quá nhá!

Chuyên mục