(Ảnh: Christopher Campbell/Unsplash) 

MỘT VÀI LƯU Ý NHỎ ĐỂ TẠO DỰNG THÓI QUEN LUYỆN TẬP BỀN VỮNG

Sau nhiều năm chạy bộ, tôi đã tự tạo dựng cho mình một thói quen về việc tập luyện. Theo đó, mỗi tuần 4-5 buổi, tôi sẽ dậy sớm và hoàn thành bài tập của mình theo đúng giáo án được đề ra. Đôi khi tôi nhận được một vài câu hỏi từ những người thân quen (những người không chạy bộ) là tại sao tôi lại phải… khổ như vậy? Vấn đề nằm ở chỗ, đây là một thói quen, và việc luyện tập đối với tôi luôn là niềm vui, sự hứng khởi và phần nhiều vì mục tiêu sức khoẻ chứ không phải là để hành xác như mọi người nghĩ.

(Ảnh: Bruno Nascimento/Unsplash)

Thói quen tập luyện của tôi được hình thành một cách bản năng. Mãi tới sau này, khi đọc một số cuốn sách về quản trị cũng như phát triển bản thân, tôi phát hiện ra mình thật may mắn vì đã đi đúng hướng trong việc tạo dựng những thói quen lành mạnh và loại bỏ những thói quen xấu. Tất nhiên, việc tạo dựng thói quen tập luyện không đơn thuần chỉ là việc cứ thế đi tập, mà nó còn liên quan tới rất nhiều những hành động, những kế hoạch nhỏ trước và sau khi tập. Và vì thế, bạn cần phải lập kế hoạch, thực hiện nó một cách bài bản và khoa học nhất thay vì cố gắng … làm cho xong công việc. Đó chính là những gì tôi học được, và hôm nay tôi có thể giúp các bạn hình thành thói quen tập luyện với chạy bộ một cách bền vững với vài gạch đầu dòng nho nhỏ:

Hãy nghĩ về những động cơ của bạn khi đến với chạy bộ.

Những động cơ ấy nên đủ lớn để có thể kéo bạn ra khỏi giường mỗi sáng: Nghe có vẻ mông lung, nhưng lý do khiến tôi dậy sớm mỗi ngày để tập chỉ là vì tôi chẳng có thời gian vào buổi chiều, hay tối (vì tôi sẽ bận việc, vì tôi phải đón con, vì tôi sẽ chuẩn bị bữa tối cho gia đình…). Và tại thời điểm đó, tôi quyết định rằng để mình khỏe hơn, bền bỉ hơn, và vì tôi cũng cần phải giảm cân nên tôi sẽ tập luyện vào buổi sáng!

Còn các bạn? Các bạn có thực sự nghĩ về mục tiêu lớn của mình một cách nghiêm túc không? Hãy xác định xem thực sự mục tiêu của mình là gì khi tập luyện và mong muốn tập luyện sẽ là đòn bẩy giúp bạn sắp xếp kế hoạch cho cuộc sống, công việc để có một khoảng thời gian trong ngày dành cho việc tập luyện.

(Ảnh: Philippe Murray Pietsch/Unsplash)

Quản trị thời gian, lập kế hoạch công việc một cách khoa học để chắc chắn rằng bạn sẽ có một khoảng thời gian tập luyện.

Lý thuyết của tôi đưa ra vô cùng đơn giản: Các công việc đều cần thời gian, và vì thế chúng ảnh hưởng tới nhau. Bởi vậy, nếu bạn trễ nải trong việc đầu tiên, nó sẽ ảnh hưởng ngay tới thời gian thực hiện công việc thứ hai, và việc chậm trễ ở công việc thứ hai sẽ tiếp tục ảnh hưởng dây chuyền tới các công việc phía sau đó.

Ví dụ, tôi có kế hoạch tập chạy trong 60 phút vào buổi sáng và hoàn thành bài tập lúc 6h15 sáng. Sau đó tôi sẽ có 60 phút để vệ sinh cá nhân, ăn sáng cùng gia đình và xong lúc 7h15 trước khi đưa lũ trẻ tới trường vào lúc 7h35. Có như vậy tôi mới có thể tới văn phòng làm việc lúc 7h50-7h55 mỗi sáng (để không đi làm muộn).

Vậy tôi sẽ cần phải cân nhắc về việc dậy muộn nhất vào lúc 5h sáng, bởi chúng ta cần đi vệ sinh, cần thay đồ … và nhiều công việc lặt vặt khác trước khi có thể xuống đường và thực hiện bài tập. Khoảng thời gian 15 phút đôi khi là không đủ nên tôi thường sẽ dậy sớm hơn giờ tập dự kiến từ 20-25 phút. Những thứ có thể ngáng trở và gây tốn thời gian như việc không thể dậy sớm do đêm trước đó thức khuya, hay sáng sớm thì lại phải đi tìm đồ tập, tìm chìa khoá nhà, đai chạy bộ … đều sẽ được loại bỏ bằng cách chuẩn bị từ tối hôm trước. Bằng cách quản lý kế hoạch một cách chặt chẽ, tôi đảm bảo việc mình sẽ dậy đủ sớm, tập đủ bài, có thời gian dùng bữa sáng với gia đình, đưa các con đi học và  đến văn phòng làm việc đúng giờ… Một ngày mới của tôi diễn ra như vậy đấy các bạn ạ.

Mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên khoa học chỉ bằng những hành động nhỏ đó. Hãy nhớ quản trị kế hoạch của bạn, để ý tới các chi tiết nhỏ và thực hiện với cam kết rằng bạn chắc chắn hoàn thành chúng trước khi nói tới những kế hoạch lớn hơn theo tuần, theo tháng hoặc theo năm.

Thiết lập lịch tập với các bài tập hợp lý.

Bộ não của chúng ta thật tài tình, nó luôn muốn lặp lại những hành vi có tính chất dễ thỏa mãn và có xu hướng muốn loại bỏ những hành vi khó khăn, mệt mỏi (chắc hẳn đó là lý do tại sao những thói quen xấu dễ lặp đi lặp lại hơn là những thói quen tốt).

Chính vì thế, lời khuyên của phần lớn các chuyên gia trong việc tạo dựng thói quen tập luyện chính là thiết lập kế hoạch, bài chạy ở giai đoạn đầu của việc luyện tập nên ở mức độ vừa phải. Nếu bạn liên tục dồn khối lượng và tốc độ, việc quá tải dẫn đến mệt mỏi, chán nản và chấn thương là điều khó có thể tránh khỏi.

Ngoài ra, việc tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm, hoặc làm việc với các huấn luyện viên cá nhân chuyên về chạy bộ để có những lời khuyên bổ ích trong việc thiết lập kế hoạch và bài tập chắc chắn là một ý tưởng tuyệt vời.

(Ảnh: Babin Vallet/Unsplash)

Luôn cân bằng giữa tập luyện và nghỉ ngơi.

Có một thực tế mà phần lớn người mới tập đều vướng phải, đó là việc thực hiện một lịch tập quá dày với cường độ cao với mong muốn nhanh chóng tiến bộ. Đáng buồn thay, sự hăng hái đó sẽ nhanh chóng bị vùi dập bởi chấn thương, mệt mỏi tích lũy sẽ nhanh chóng vùi bạn quay trở lại với những tháng ngày dễ dãi trước khi tập luyện.

Chế độ dinh dưỡng nên được cân đối sao cho phù hợp với mỗi người (Ảnh: Ella Olsson/Unsplash)

Sẽ thật là tai hại nếu bạn không lắng nghe phản ứng của cơ thể, không dừng việc tập luyện khi bị đau, và luôn mang bản thân ra so sánh với những người khác. Lời khuyên của tôi trong trường hợp này là bạn nên nghỉ ngơi, cơ địa của mỗi người mỗi khác, bạn không thể tập luyện cường độ cao như một vận động viên chuyên nghiệp hay một người chạy bộ có kinh nghiệm lâu năm được (ít nhất là bạn không thể ở giai đoạn tạo dựng thói quen tập luyện này).

Ngủ đủ giấc mỗi ngày giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng (Ảnh: Lux Graves/Unsplash

Bạn nên nhớ rằng, khi chúng ta mới bắt đầu tập luyện, hệ cơ xương khớp chưa thể quen với cường độ tập luyện như thế. Chính vì vậy, việc đan xen lịch tập với những ngày nghỉ ngơi trở nên vô cùng quan trọng. Những ngày nghỉ là những ngày cơ xương khớp của bạn được nghỉ ngơi, hồi phục và phát triển. Không chỉ vậy, việc nghỉ ngơi giúp thể lực của bạn sung mãn hơn, và tinh thần sẽ thoải mái cho các bài tập tiếp theo thay vì bước vào bài tập với sự uể oải, mệt mỏi tích lũy.

Sau một chặng đường dài nhiều năm tập luyện, khi nhìn lại tôi thấy mình đã khác. Chỉ có một điều mà tôi cảm thấy không hề suy chuyển, đó là đam mê với chạy bộ. Thể thao là kết nối, là động lực phát triển của mỗi cá nhân. Sự phát triển ấy không chỉ với thể chất mà còn là cả sự tích luỹ về kiến thức và tinh thần. Chúc các bạn tập luyện thật vui và sớm chạm vào những niềm vui ấy.

Chuyên mục