Trước giờ xuất phát tại giải Vnexpress Marathon Hanoi Midnight (Ảnh: BTC) 

MẠNH MẼ HƠN TỪ NHỮNG THẤT BẠI Ở GIẢI CHẠY ĐÊM

Bản tin 2 Th12 2022

Nếu bạn vấp ngã, bạn có sẵn sàng nhìn lại những đau đớn đã trải qua để rồi đứng dậy và mạnh mẽ hơn không?

Nếu được hỏi câu hỏi trên, câu trả lời của tôi luôn là: Có!

Tôi thường sẽ nhìn lại những thất bại, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục chúng; để nếu sau này có gặp lại, tôi sẽ tránh đi vào “vết xe đổ” của những thất bại trong quá khứ.

Đoàn vận động viên cự li HM chạy qua phố Cầu Gỗ ở giải Hà Nội Midnight 

Giải VnExpress Marathon Hanoi Midnight (Hà Nội Midnight) 2022 đã qua đi. Là một người đứng nhìn hàng dài vận động viên chạy qua vạch xuất phát, và cũng là người đã dẫn dắt vô số học viên tham gia giải. Tôi thầm lo lắng khi liếc vào màn hình điện thoại xem nhiệt độ, độ ẩm tại thời điểm giải diễn ra.

Một vận động viên cự li 42km trong giải Hà Nội Midnight

Thời tiết vốn là một trong những yếu tố tác động lớn đến thành tích của vận động viên khi tham gia một giải chạy Marathon. Và lần này, giải Hà Nội Midnight thực sự đã chứng thực điều đó! Số lượng vận động viên “fail target” tương đối lớn, ít nhất là với phần lớn những vận động viên mà tôi biết tên. Tuy nhiên, cũng có những vận động viên hoàn thành được mục tiêu đề ra cho giải với những sub2 HM, sub4, sub3h45 FM,…

Chắc chắn Hà Nội Midnight đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng các runner, nhiều niềm vui, nhiều nỗi buồn và cả những bài học quý giá nữa.

Cosplay của một runner trong giải Hà Nội Midnight

Tôi viết bài viết này để tổng hợp lại một vài điều từ góc độ cá nhân, để bản thân không quên, cũng là để các bạn nhìn lại quá trình chuẩn bị, tham gia một giải đấu khắc nghiệt trong đêm như Hà Nội Midnight.

Những lý do có thể đã làm bạn trượt khỏi mục tiêu trong một giải chạy đêm:

  • Thời tiết: Ngày trước khi diễn ra giải, mưa lác đác kèm theo nền nhiệt cao dẫn đến độ ẩm không khi hôm đó lên tới 94%. Độ ẩm cao làm cho chất lượng không khí thấp hơn đáng kể dẫn đến việc hô hấp của nhiều người trở nên kém hiệu quả hơn hẳn. Ngoài ra, nền nhiệt cao, trời ít gió cũng làm mồ hôi thoát ra liên tục và nhiều hơn bình thường; điều này làm cho cơ thể nhanh chóng rơi vào trạng thái mệt mỏi. Và chắc chắn rằng, việc duy trì cường độ ở ngưỡng axit lactic trong thời gian dài sẽ làm cơ bắp bạn rơi vào trạng thái căng thẳng do “ngộ độc” axit lactic. Kết quả cuối cùng sẽ là những cơn đau do “chuột rút” và cảm giác mệt mỏi tràn ngập kéo đến mà chúng ta vẫn gọi là “đụng tường”.
  • Bạn thiếu những bài tập đêm trong quá trình tập luyện cho giải Midnight: Việc hoạt động thể chất cường độ cao trong điều kiện nhịp sinh học bị đảo lộn rõ ràng sẽ gây ra mệt mỏi, thậm chí là nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng. Sự mệt mỏi do chạy đêm chắc chắn sẽ đến nhanh hơn, mãnh liệt hơn rất nhiều nếu so sánh với chạy giải vào buổi sáng sớm. Và việc “đụng tường”, “chuột rút” là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra nếu bạn gắng sức và không có sự điều chỉnh về chiến thuật khi chạy.
Runner tại khu vực massage của BTC (Ảnh: Nam Nguyễn/Vnexpress)
  • Bạn quá tự tin và thiếu sự linh hoạt trong khi chạy giải: Ý tôi nói là bạn chủ quan, vì nghĩ chạy giải vào một đêm mùa đông thì còn gì dễ hơn, nhất là với thời tiết se lạnh của tháng 12. Chính vì thế sự thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh mục tiêu đã làm bạn lao thẳng vào “bức tường vô hình”. Rồi sau đó chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng tại sao lúc đó mình không chậm lại nhỉ?
  • Và những điều kiện khách quan khác: Tôi thật tiếc cho một số bạn (vì đã bị ngã) do chất lượng đường chạy không được tốt. Dạo qua một vài diễn đàn, tôi thấy có một vài ý kiến rằng mặt đường chạy ở Hà Nội Midnight khá xấu với nhiều đoạn nghiêng, kèm theo nắp cống và ổ gà (mặc dù ban tổ chức đã rất cố gắng khắc phục chúng). Nhưng đôi khi, chúng ta cần chấp nhận bởi đó là thực trạng của Hà Nội và rõ ràng việc khảo sát qua cung đường chạy là việc nên làm nếu chúng ta có thể bố trí được thời gian phải không?
Một hình ảnh đẹp của giải chạy đêm Hà Nội (Ảnh: VnExpress Marathon Hanoi Midnight)

Nếu bạn thất bại, dù cho là với bất kỳ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng cần có giải pháp để “đối phó” với những nguyên nhân này để có thể trở lại đường đua một cách mạnh mẽ hơn. Hãy cùng VietMarathoners điểm qua một vài giải pháp cho những lý do đã cản trở bạn trong một giải chạy đêm.

  • Có sự điều chỉnh về mục tiêu: Việc chủ động đưa ra các mục tiêu phụ cho giải chạy cũng thực sự quan trọng bởi nếu bạn chỉ “nhăm nhăm” đuổi theo một mục tiêu duy nhất mà không quan tâm tới trạng thái thể lực trong quá trình thi đấu thì việc “đụng tường” trong những điều kiện thời tiết “khắc nghiệt” gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Bạn nên chuẩn bị khoảng ba phương án, tương ứng với ba mục tiêu cho một giải chạy, VD: Nếu các điều kiện là lý tưởng thì mục tiêu A là sub 3h05, tiếp theo B là 3h15, C là 3h25. Tùy vào tình hình thời tiết, thể lực của bạn ở trước và trong lúc chạy bạn sẽ chủ động điều chỉnh mục tiêu và có phương án xử lý hợp lý cho riêng mình. Theo kinh nghiệm của tôi thì bạn điều chỉnh tốc độ và mục tiêu càng sớm thì khả năng thành công càng cao.
  • Hãy có một số bài tập đêm ở thời điểm vài tuần trước khi giải chạy đêm chính thức diễn ra để cơ thể làm quen với trạng thái mới của vận động về đêm. Bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết “Tập luyện và chuẩn bị cho một giải chạy đêm” mà chúng tôi đã đăng tải.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bạn cần ngủ đủ giấc, hãy đảm bảo có ít nhất một giấc ngủ kéo dài 2-3 tiếng trong khoảng 12 giờ trước khi tiếng súng lệnh ở vạch xuất phát vang lên. Bạn nên hạn chế tối đa các thức uống như cafe, chè, bia, rượu chỉ bởi cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi. Bạn cũng đừng quá căng thẳng tới mức mất ăn mất ngủ. Bởi nếu bạn không ngủ được, hệ thần kinh của bạn sẽ căng như dây đàn, bạn thiếu tỉnh táo và mọi thứ có thể tệ hơn bạn nghĩ rất nhiều khi bước vào chạy giải.
  • Chuẩn bị tâm lý thi đấu thật tốt: Cái tôi muốn nói ở đây là việc bám chặt vào mục tiêu và chiến thuật chạy giải của mình. Bạn có thể hiệu chỉnh nó trong quá trình chạy giải, nhưng đừng để bị cuốn vào guồng chạy của những người chạy khác ở phía trước. Nếu người chạy trước nhanh hơn bạn, khoẻ hơn bạn và bạn phải rất gắng sức mới theo được họ thì nguy cơ bạn “đụng tường” và tự phá tan tành công sức tập luyện, chuẩn bị cho giải thực sự rất cao. Do đó hãy cân nhắc thật kỹ và xem xét tình trạng thể lực trong quá trình chạy để đưa ra những quyết định đúng đắn bạn nhé.
  • Đừng chủ quan: Điều gì cũng có thể xảy ra với một giải Marathon, đặc biệt là một giải chạy đêm. Có thể ai đó nói với bạn rằng họ bị chuột rút, bị đụng tường khi tham gia giải chạy đêm, và vì thế họ khuyên bạn nên xem xét kỹ lưỡng và chuẩn bị, tập luyện tốt hơn. Đừng nghĩ chuyện đó sẽ không xảy ra với bạn, hãy coi trọng lời khuyên đó bởi vì họ nói thật đấy! Bạn cũng nên dành chút ít thời gian để xem trước đường chạy của giải, để tránh bị lạc đường, cũng để nắm được chất lượng đường chạy và có phương án, chiến thuật phù hợp.

Sau mỗi giải chạy, dù thành công hay thất bại thì bạn cũng sẽ có được những bài học bổ ích cho riêng mình. Ai đó đã từng nói “ngã ở đâu đứng dậy ở đó”. Nếu bạn đã “ngã” ở Hanoi Midnight thì hi vọng với bài viết này bạn sẽ “đứng dậy” ở một giải chạy đêm nào đó trong thời gian tới. Hồ Chí Minh Midnight chẳng hạn? Khi đó bạn đã có kinh nghiệm ở giải chạy đêm và với sự chuẩn bị tốt thì cơ hội thành công của bạn chắc chắn sẽ cao hơn. Hẹn gặp lại nhé!

Chuyên mục