LIỆU CÓ QUÁ KHÓ ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SỐNG KHOẺ MẠNH?

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình yêu thích thể thao. Ông ngoại tôi, người đã dạy tôi chơi cầu lông từ những năm tôi còn học tiểu học, đã truyền cho mẹ tôi tình yêu thể thao cháy bỏng. Mẹ tôi biết và chơi rất giỏi bóng chuyền, những năm học đại học bà thường ở trong đội tuyển bóng chuyền của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Sau này, bà chơi thêm bóng bàn và đã có lần vô địch đơn nữ lứa tuổi trong ngành mà bà công tác (giải toàn ngành, hình như thế). Bố tôi cũng yêu thích thể thao, ông có phần ít tập luyện hơn do đặc thù công việc nhưng khi về hưu hai cụ vẫn duy trì việc tập luyện bóng bàn, bóng chuyền hơi, đi bộ và bơi lội cùng nhau mỗi khi có dịp.

Nhiều năm trước, tôi thỉnh thoảng vẫn phàn nàn với hai cụ rằng sao bố mẹ ham thích quá mức và bỏ quá nhiều thời gian tập luyện như thế, cho tới khi tôi bắt đầu bị béo lên và cần phải tập luyện một môn thể thao nào đó sau hơn chục năm trời không tập luyện thể thao.

Khi tôi kịp thức tỉnh và tham gia vào việc tập luyện thể thao, tôi nhìn ra xung quanh thì thấy một chuyện rất đáng mừng, ấy là bố mẹ tôi không có dấu hiệu bị thừa cân/béo phì... Và có lẽ vì tập luyện thường xuyên nên trộm vía sức khỏe các cụ khá hơn nhiều người già có cùng độ tuổi.

Còn với tôi, sau khi trải qua nhiều năm tập luyện thể thao một cách nghiêm túc, đọc, học, chia sẻ nhiều thứ liên quan đến thể thao, tôi càng thấy quyết định của mình khi đó là đúng đắn, bởi nếu không có quyết định đó, tôi chắc chắn bây giờ sẽ là một anh chàng béo ú (có thể sẽ tệ hơn). Nói như thế là rất có cơ sở bởi sức ăn của tôi rất lớn. Nếu không tập luyện nghiêm túc và bịt mồm bịt miệng đúng lúc thì tôi đã béo ú, lượng mỡ thừa sẽ tích tụ nhanh chóng và biến tôi thành một người béo phì đúng theo định nghĩa chuẩn WHO (những người có BMI≥30 kg/m2).

Đáng lưu ý, theo những thống kê và nghiên cứu từ các nguồn uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Our World in Data, World Obesity Federation, và các nghiên cứu khoa học từ The Lancet thì tỷ lệ người béo phì toàn cầu có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2005, thế giới có khoảng 10% nam giới và 14% nữ giới mắc chứng béo phì. Năm 2022, thế giới có khoảng 14% nam giới và 18.5% nữ giới mắc chứng béo phì.

Hình ảnh x-quang của một bệnh nhân béo phì cho thấy hệ xương khớp phải chịu đựng khổ sở như thế nào ... Ảnh: Internet

Tại Việt Nam, mọi thứ có vẻ còn tệ hơn một chút theo những dữ liệu mà WHO cung cấp. Theo đó, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành từ 1,7% tăng lên 5,3% trong giai đoạn từ những năm 2000 đến năm 2019 (tăng khoảng 212%). Đối với trẻ em, tỷ lệ béo phì cũng tăng vọt với khoảng 19% trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì theo thống kê năm 2019 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Ảnh nguồn: Internet

Rõ ràng, nhìn vào những con số thì chúng ta đều thấy rằng Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ béo phì trong 20 năm qua. Căn bệnh này rõ ràng đang thật sự trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại. Với sự phát triển kinh tế cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thói quen của người dân đang có xu hướng thay đổi lớn với:

  • Thói quen ăn uống: Sử dụng các sản phẩm chứa nhiều đường, các loại đồ ăn chế biến sẵn và thói quen sử dụng thường xuyên, liên tục mà không có sự điều chỉnh trong chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc liên tục "bồi bổ" và nạp vào một lượng thức ăn lớn trong thời gian dài cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng thừa cân. Nhận thức sai lầm về hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm cũng dẫn nhiều người đến sai lầm trong thói quen ăn uống.
Đến ...Thor trong Endgame còn béo ú vì ăn uống quá độ nữa là ... (Nguồn: Alex Solis)
  • Thói quen sinh hoạt: Không phải bỗng dưng mà vài năm trước, báo chí đưa ra nhiều tin bài, thống kê cho thấy người Việt lười vận động gần như... nhất thế giới. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng: Lượng calo nạp vào hằng ngày lớn nhưng lối sống ít vận động, không thể dục thể thao làm cho người ta càng ngày càng "phì nhiêu". Vẫn nhớ ngày còn đi học, tôi cuốc bộ hoặc đạp xe tới trường, còn giờ đây bọn trẻ thường được đưa đón tận cổng trường, lớn hơn chút thì chúng sẽ tự đi xe vèo vèo ngoài đường mà chẳng cần biết có cần thể dục thể thao hay không.
  • Quan niệm: Nhiều người vẫn cho rằng BÉO là... KHỎE. Quan niệm này không chỉ tồn tại ở một vài người mà có thể là cả một thế hệ. Tôi từng hỏi một số người thân trong gia đình, câu trả lời thường là... béo thì đẹp hơn là gầy hoặc "có da có thịt" thì vẫn khỏe hơn.
  • Cảm nhận về mức độ tiêu hao năng lượng: Một số người sau khi chạy và đi bộ chừng 30 phút tự cho rằng đã tiêu hao một lượng lớn năng lượng nên cần... bổ sung lại thật nhiều. Hoặc một vài người bạn của tôi, sau khi chạy loanh quanh trong sân bóng với thời gian được tính bằng phút đã nhanh chóng sơ tán ra quán bia để... giải khát. Mức độ tiêu hao và bù đắp năng lượng có lẽ nên được tính toán cụ thể thay vì áng chừng một cách chủ quan như thế. Việc áng chừng như vậy sẽ làm cho chúng ta nhanh chóng đi vào cái bẫy của chính mình (cũng như các hãng thực phẩm chế biến sẵn...) và ngày càng... phình ra.

Hệ lụy của béo phì thực sự không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân, gia đình mà còn là một vấn đề xã hội. Béo phì là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều bệnh lý nặng như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh đường hô hấp và thoái hóa khớp... Và mặc dù phần lớn những người thừa cân, béo phì luôn ý thức được tình trạng cân nặng của mình và tìm cách giảm cân nhưng xu hướng chung là việc giảm cân thường thực hiện trong ngắn hạn và đạt hiệu quả thấp trước khi họ bỏ cuộc và quay lại mức cân nặng như trước khi thực hiện các biện pháp giảm cân.

Ảnh minh hoạ: Internet

Tôi thường nhận được một vài câu trả lời như: "Mệt lắm anh ạ" hoặc "Em không có thời gian".... khi hỏi một số người về lý do tại sao họ dừng cuộc chiến đấu với thừa cân béo phì. Động viên là không hề đủ đối với họ bởi việc tập luyện. Việc đưa ra một chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với những người béo phì cũng thường gặp vô vàn trở ngại. Hơn nữa, xét về mặt tâm lý, việc tập luyện hay áp dụng chế độ dinh dưỡng khó khăn thường sẽ không được ưu tiên vì mệt, vì chán và vì khó bố trí thời gian. Những thứ vui vẻ, đơn giản như ăn uống thỏa thích thì dễ làm chứ những thứ nghe đã thấy mệt như tập luyện thể thao để giảm cân thì khó mà làm được thường xuyên, với người bình thường đã vậy rồi chứ đừng nói người thừa cân béo phì.

Chính phủ đã đề ra những chiến lược dinh dưỡng quốc gia cho giai đoạn 2021-2030 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm suy dinh dưỡng và giải quyết các bệnh không lây nhiễm như béo phì với một số gạch đầu dòng chính yếu như sau:

  • Thúc đẩy chế độ ăn uống cân bằng thông qua các chương trình dinh dưỡng học đường, khuyến khích tiêu thụ trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tăng cường hoạt động thể chất, với các sáng kiến như giáo dục thể chất bắt buộc trong trường học và các chiến dịch công cộng khuyến khích vận động.
  • Quy định quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường, để giảm béo phì ở trẻ em.
  • Tăng cường giáo dục dinh dưỡng cộng đồng, nhắm đến khu vực nông thôn để thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

Tuy chiến lược là vậy, nhưng sẽ có nhiều thách thức, thách thức này đến từ cá nhân, từ các gia đình và từ những vấn đề khách quan/chủ quan riêng. Phần này, có lẽ một học giả, hoặc một nhà hoạch định chính sách sẽ nói hay hơn tôi.

Một buổi sáng đầu tháng 5, tôi tình cờ đọc một bài viết có tựa đề: "Thứ khiến bạn mãi không giàu nổi: Không phải mua nhà, mà là mua cà phê!" Vắn tắt thì ý của tác giả nói về thói quen chi tiêu của nhiều người, trong đó có những người trẻ tuổi... Bên cạnh bài học về thói quen chi tiêu, tôi còn thấy có một bài học khác liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Tác giả bài viết có trích dẫn: “Những khoản chi cố định nhỏ mỗi ngày tạo thành khoản lớn không ngờ, nhưng vì tính chất "ẩn" của nó nên nhiều người không thấy được sự ảnh hưởng thực tế tới tài chính cá nhân."

Còn tôi thì thấy thêm là ngoài chuyện tốn tiền thì: Những phần calo dư thừa và cố định mỗi ngày sẽ tạo thành những phần mỡ thừa "đắp" vào cơ thể bạn và vì sự "xâm chiếm" này rất từ từ nên nhiều người không thực sự nhận thức được cho đến khi tự xem lại ảnh chụp hoặc cân nặng của chính mình trước đó một hoặc vài tháng/năm.

Vận động tích cực có lẽ là thứ sẽ được nhiều người nhắc đến khi nói về những vấn đề nêu trên. Tôi cũng sẽ khuyên mọi người như thế nếu được hỏi. Thể thao môn gì cũng được, quan trọng là có sự vận động!

Nhưng có một chuyện quan trọng, đó là bạn cũng cần một vài thay đổi trong suy nghĩ. Việc thay đổi trong suy nghĩ này sẽ giúp bạn:

  • Tiếp cận với các kiến thức về dinh dưỡng một cách chính xác, biết mình nên/không nên ăn uống như thế nào.
  • Thay đổi dần thói quen sinh hoạt, nhìn ra rồi tìm cách loại bỏ dần những thói quen xấu. Ví dụ việc thức khuya xem điện thoại có giải quyết được vấn đề gì cho đời sống của bạn không? Hay chỉ đơn giản là vì đi hóng "phốt" trên mạng thì vui vui một chút, rồi sáng hôm sau ngáp ngắn ngáp dài dậy muộn (và đi làm muộn).
  • Hiểu được mình cần gì khi tập luyện và tập luyện như thế nào là đủ và tốt.

Có thể ở đâu đó, vẫn có những người phản đối việc tập luyện và cho rằng chỉ cần ăn kiêng, hoặc nhịn ăn là đủ... Nhưng theo quan sát, các phương pháp cực đoan đó thường rất mệt mỏi và không có hiệu quả lâu dài (đặc biệt là với những người không kiên định).

Vậy nên nếu bạn muốn giảm cân bền vững, hãy ăn uống khoa học và kết hợp với việc tập luyện thể thao chứ đừng trông mong vào những phương pháp giảm cân thần kỳ. Hãy thực hiện mọi thứ từ từ, có phương pháp, kiên định và bạn sẽ thành công.

Bài viết có tham khảo một số thông tin, khảo sát, điều tra từ nhiều nguồn và có thể còn thiếu hụt về thông tin, rất mong các bạn thông cảm.

.

🏃‍♂️ VietMarathoners - Đồng hành cùng bạn trên mỗi bước chạy! 🏃‍♀️

Bạn đang tìm kiếm một huấn luyện viên chạy bộ chuyên nghiệp? Hãy để VietMarathoners giúp bạn đạt được mục tiêu của mình! VietMarathoners cung cấp các chương trình huấn luyện cá nhân hóa, phù hợp với mọi cấp độ, từ người mới bắt đầu đến vận động viên bán chuyên.

🔹 Hoạt động của VietMarathoners:

  • Huấn luyện chạy bộ theo từng mục tiêu (giảm cân, cải thiện sức bền, tăng thành tích cá nhân, chuẩn bị cho marathon,…)
  • Tối ưu hoá kế hoạch tập luyện cho từng học viên
  • Đánh giá và theo dõi tiến độ theo giai đoạn
  • Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chạy
  • Cung cấp pacer cho các giải chạy
  • Cung cấp pacer cho cá nhân tại các giải chạy

🔹 Tại sao chọn VietMarathoners?

  • Chuyên gia huấn luyện có kinh nghiệm.
  • Hỗ trợ bạn xuyên suốt quá trình tập luyện.

🌐 www.vietmarathoners.com

📱 https://www.facebook.com/VietMarathoners

🏃 https://www.facebook.com/groups/vietmarathoners