ASICS NOVABLAST 3: THOẢI MÁI NÊN CHẠY THẾ NÀO CŨNG ĐƯỢC 😁
Cho dù đã từng sở hữu và trải nghiệm nhiều dòng giày chạy bộ khác nhau, từ các loại giày “nảy tưng tưng”, nhẹ như không đeo gì cho đến các loại giày khi đeo vào “như đeo chì” vào chân. Tôi vẫn khá bất ngờ khi đọc thấy thông số của Nova Blast 3 trên website của hãng, với size giày mà tôi sử dụng, trọng lượng của giày vào khoảng 253 gram bởi tôi ít khi sử dụng những đôi giày nặng đến thế 🙃
Tuy nhiên, sau một hồi đắn đo và vì màu titan của Nova Blast 3 … quá đẹp nên tôi cũng tặc lưỡi móc ví khuân một đôi về. Một lý do nữa thúc đẩy tôi chi trả cho đôi giày này chính là … ý nghĩ về việc tìm kiếm một đôi giày có thể chạy được hàng ngày. Bởi trong số các đôi giày tôi sử dụng để tập luyện hiện tại, tôi phát hiện ra chúng đều là những đôi có đế tích hợp carbon, và việc phụ thuộc vào giày có thanh carbon hỗ trợ có vẻ không ổn lắm theo quan điểm của cá nhân tôi. Chính vì thế, vọng tưởng về việc sử dụng một đôi giày nặng hơn, không có thanh carbon hỗ trợ trong quá trình tập nền tảng hàng ngày có vẻ hứa hẹn “một tương lai tốt đẹp” và ít chấn thương hơn cho đôi chân vốn hay “dở chứng” của tôi.
Cầm trên tay đôi giày mới, cảm giác thật sự lẫn lộn vì quả thực là nó … đẹp và nặng các bạn ạ 😆.
Thế nhưng khi xỏ vào chân thì cảm giác nặng ấy biến mất ngay! Phần bo gót cứng cáp và vừa vặn tạo cảm giác thoải mái và chắc chắn. Tôi thử nhún gót chân, phần đế của Nova Blast 3 khá mềm (tuy không được nảy lắm nhưng mềm với tôi thì sẽ tốt hơn cứng). Cảm giác phấn khích ban đầu khi xỏ chân vào giày dần đẩy những ý niệm cố chấp về việc không sử dụng giày quá nặng cho tập luyện của tôi ra khỏi đầu. Tôi lờ mờ nhận ra là mình có vẻ đã có nhiều sai sót khi lựa chọn giày tập trước đây. “Trải nghiệm người dùng” này có vẻ tốt và không làm phí tiền rồi các bạn ạ 😂
Bài tập thứ nhất: 12km - Avg Pace 5:4x
Bài tập diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng. Giày khá nảy, trái với cảm giác về việc đeo chì vào chân.
Bài tập thứ hai: 26.55km - Avg Pace 5:2x với phần fast finish 2km pace 3:50.
Đây là một bài tập hỗn hợp những đoạn chạy nhanh chậm khác nhau (pace trên hoặc dưới 5:00) kèm theo phần fast finish cuối bài dài 2km. Tất nhiên, cả bài tập diễn ra suôn sẻ, kể cả phần chạy nhanh cuối bài. Và quan trọng hơn, sau khi kết thúc bài tập, gần như đôi chân tôi không hề cảm thấy sự đau mỏi nào vốn vẫn xuất hiện trong một số bài tập trước đây. Tôi tự hỏi là không rõ do chân mình “khoẻ hơn” hay là do giày này … tốt?
Bài tập thứ ba: Recover Run 10km pace 6:xx
Việc chạy chậm với nhiều người sẽ là khó chịu. Có ai đó sẽ nói là “Tại sao pace race của tôi là 4:5x mà tôi lại phải chạy pace 6 cho bài recover?”. Thật ra thì việc chạy … chậm cũng có sao đâu, đây là bài tập phục hồi sau những bài chạy dài mà 😀 Quan trọng là mình hiểu mình tập bài đó để làm gì.
Vậy đấy, thế nên tôi tận hưởng cảm giác chậm chạp, nhưng không ê chân khi chạy chậm với Nova Blast 3 😀
Cho đến khi viết bài này, tôi đã có rất nhiều bài chạy cùng Nova Blast 3. Pace range dao động từ 4:0x cho đến 6:xx. Nói chung đều khá thoải mái! Và vì thế tôi mạnh dạn tổng kết vài điều về đôi giày đã giúp tôi thay đổi quan niệm về giày tập với các bạn:
Những điểm hay ho:
- Thiết kế đế độc đáo, màu thì ... rất đẹp.
- Giày nặng nhưng khi xỏ chân vào lại không có cảm giác nặng.
- Giày thoáng, không có cảm giác bí chân khi chạy dài. Đặc biệt chạy mưa không bị giữ nước.
- Sử dụng hàng ngày với nhiều bài tập khác nhau.
- Độ nảy vừa phải, cảm giác chắc chắn khi tiếp đất.
Những điểm chưa hài lòng:
- Cảm giác giày nặng chân sẽ kéo đến trong phần cuối của những bài chạy dài. (Bạn sẽ thấy "nặng nề" từ khoảng km 25 trở đi của bài chạy).
- Chạy mưa trên nền đường đá sẽ có cảm giác trơn trượt. Do đó bạn nên cân nhắc có nên sử dụng NovaBlast3 vào những ngày mưa không nhé.
Nói qua nói lại, chốt lại thì Nova Blast 3 là một lựa chọn tốt cho nhu cầu tập luyện hàng ngày. Bài viết chỉ ở góc độ cá nhân chứ không nhằm mục tiêu quảng cáo. Và vì thế nên mọi người đừng để sự quyến rũ của câu từ và hình ảnh minh hoạ làm ý chí bị mê muội mà móc ví như tôi nhé 😂