TẠM BIỆT MÀU XANH

Trong cuộc sống hàng ngày, màu xanh - blue có lẽ là một trong những màu rất phổ biến. Nhưng trong chạy bộ, cái từ Blues (có “s" nha) lại ám chỉ một hội chứng mà khi đó chúng ta rơi vào trạng thái tâm lý không tốt, và thường là chán chường với việc tập luyện. Trạng thái này có thể xảy ra trong ngắn hạn hoặc kéo dài … mãi mãi và kết quả là chúng ta mất đi động lực tập luyện vốn có. 

Photo by Joshua Sortino / Unsplash

Tệ hơn, một số người đã từ bỏ việc tập luyện và … kiên quyết không chạy bộ nữa. Nhân dịp tôi chớm dính líu vào cái vụ “nỗi buồn màu xanh" này thì tôi tổng kết lại chút ít thông tin để mọi người cùng chiêm nghiệm...

Tôi đã “Blues" như thế nào? 

Một ngày của tôi thường bắt đầu từ 4h45 phút sáng. Tôi cố gắng cân bằng mọi việc, từ tập luyện tới công việc và gia đình. Tuy nhiên trong giai đoạn tháng 6/2024, tôi có quá nhiều việc phải động tới, lịch làm việc đôi khi dày đặc làm thời gian nghỉ ngơi cũng trở nên… ngắn gọn hơn. Việc duy trì một lịch làm việc và tập luyện cường độ cao xuyên suốt các tuần trong tháng không phải lúc nào cũng dễ dàng. 

Tôi cùng Chiến Black trong bài chạy dài cuối của tháng 6/2024

Kết quả, cơ thể tôi bắt đầu phản ứng, cảm giác trì trệ kéo đến. Mệt mỏi về tinh thần cũng kéo theo hệ cơ biểu tình theo. Do bận nên tôi thường vội vàng giãn cơ, hoặc cũng có hôm mải việc này việc kia nên tôi bỏ luôn cả giãn cơ. 

Kết thúc tháng 6 với sự ổn định về mileage là sự đi xuống về tinh thần kèm theo triệu chứng căng cơ khá khó chịu ở bắp chân trái (cơ dép). Sự đi xuống về tinh thần thể hiện rõ hơn khi tôi cảm thấy nhiều hơn nhu cầu … “KHÔNG chạy, chỉ cần nghỉ thôi". Trạng thái tinh thần tiêu cực được cổ vũ mạnh mẽ hơn bởi thời tiết, và bởi chứng căng cơ đang hành hạ tôi. Và thế là tôi … rất chán và chả thiết tha tập luyện gì nữa. 

Trạng thái này xuất hiện vào cuối tuần 3 của tháng 6 và có vẻ như không muốn đỡ nên tôi đã quyết tâm … tự chấn chỉnh bản thân. 

Tôi ... cắp bìa đi nhờ xe về vì quá đau bắp trái, không chạy nổi sau bài chạy cuối tháng

Tôi đã đối phó với “Blues" ra sao? 

Tôi sẽ chẳng dài dòng trình bày đâu, dưới đây là một số biện pháp quyết liệt mà tôi đã thực hiện ngay khi nhận thấy mình có vấn đề để sớm thoát khỏi trạng thái chán chạy: 

  • Thứ nhất: Giải quyết ngay vấn đề căng cơ! Tôi ngay lập tức tham vấn chuyên gia về vấn đề căng, đau cơ dép mới xuất hiện. Thật sự thì rất đau, sau buổi chạy dài cuối tháng 6, tôi thậm chí còn khập khiễng đi về nên việc này cần phải quyết liệt. Sau khi nắm được vấn đề, tôi giãn cơ tích cực với bục giãn cơ, foam roller và mát xa bằng tay và gel giảm đau. Sau hai ngày … đau kịch liệt thì tôi đã có thể đi lại bình thường, và đó là một trong những dấu hiệu cho thấy mình đã đi đúng hướng trong việc giải quyết triệu chứng này. 
Lăn foam như này cho bắp chân sẽ giúp cải thiện tình hình liên quan đến bắp chân rất nhanh (Ảnh gif từ internet)
Tôi sử dụng bục gỗ để giãn cơ như gợi ý từ bài viết về bà Mariko Yugeta (Người phụ nữ 60 tuổi chạy FM Sub3) - Hình ảnh được trích dẫn từ bài viết ở chay365.com
  • Thứ hai: Chủ động giãn lịch tập. Tôi chủ động nghỉ chạy, thay các bài chạy bằng các bài tập bổ trợ nhẹ nhưng với thời lượng dài hơn thông thường. 
  • Thứ ba: Bổ sung dinh dưỡng và nghỉ ngơi tích cực. Tôi ngủ nhiều hơn, chú trọng hơn vào chất lượng Việc bổ sung dinh dưỡng. Sau vài ngày có giấc ngủ dài (hơn 8 tiếng), tôi nhận ra mình trong thời gian vừa qua ngủ không đủ và có lẽ đây là một trong những nguyên nhân làm yếu tố tinh thần vốn tích cực của tôi bị trùng xuống. 
  • Thứ tư: Tranh thủ tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới cho việc tập luyện. Tôi quyết định rằng: Do lịch tập bị gián đoạn đôi chút nên mình sẽ đổi hướng các bài tập, và sẽ có gì đấy vui hơn với các bài tập nhưng không phải là với những bài tập tốc độ. Ngoài ra, việc có một vài người bạn chạy (runmate) trên con đường quay trở lại chu kỳ tập luyện bình thường cũng là một ý hay. Do đó, đừng mải miết và cô đơn trên đường chạy mãi nhé. 
  • Thứ năm: Không nóng vội và nghĩ rằng mình sẽ lập tức quay lại trạng thái tập luyện trước khi nghỉ. Chúng ta có thể đã chấn thương, đã có những bài tập không hiệu quả, đã chán nản và đã dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi. Vậy nếu chúng ta lập tức quay lại với cường độ tập luyện trước đó thì rất có thể chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của chu kỳ tập luyện trước đó. Thay vào đó, hãy thư giãn với những bài tập vừa phải và tính toán lịch trình phù hợp để dần lấy lại phong độ thay vì nóng vội, và đó là cách tôi đã làm. 
  • Cuối cùng: Lên một lịch trình mới cho việc tập luyện cùng với những biện pháp để khắc phục những vấn đề đã gặp phải. Với tôi, một người có cơ địa không thực sự tốt, tiền sử chấn thương dày đặc thì việc phòng tránh sẽ hay hơn là việc chữa trị. Do đó về mặt tinh thần, tôi sẽ tuân thủ tuyệt đối những gì đã đề ra trong bản kế hoạch tập luyện. 

Con đường màu xanh 

Sau vài ngày nghỉ ngơi tuyệt đối, chỉ tập bổ trợ nhẹ vào các buổi chiều, giãn cơ, mát xa tích cực và ngủ đủ giấc với chế độ dinh dưỡng tăng cường hơn, tôi quay trở lại đường chạy với một bài chạy nhẹ đủ dài để có thể gọi là một bài chạy dài tại công viên Ngoại Giao Đoàn. Sau bài chạy, mọi thứ đều ổn, chân không còn trạng thái quá tải và đau như tuần trước đó. 

Ngày chủ nhật, tôi lại có một bài chạy với 10 lượt leo dốc tốc độ cao và chạy thư giãn nửa chặng đường còn lại của bài. Mọi thứ ổn định, đều đặn, nhẹ nhàng, không đau mỏi. Tôi quyết định có một số lượt chạy lên dốc ở tốc độ cao hơn vì những bài kiểu này với tôi thật thú vị, không quá mệt như các bài tốc độ ở pace marathon hay pace tempo vì dốc không dài, nhưng đủ thử thách với một người chớm đặt chân đến “vùng Blues". 

Tôi tận hưởng một bài tập dạng fartlek kết hợp leo dốc ngắn trong một bài tập ngày chủ nhật tuần sau đó.

Tại thời điểm viết bài viết này, tôi đã hoàn toàn thoát khỏi trạng thái “Blues" với một loạt các bài tập nhẹ, tập nền tảng, bổ trợ và một bài negative splits (tốc độ nhanh dần). Và giờ tôi đang mong chờ tới bài chạy dài mỗi sáng thứ 7, hi vọng con đường màu xanh sẽ trải dài khắp cung đường tôi chạy qua chứ không phải là những nỗi buồn, hay sự chán chường của 2 tuần trước đó. 

PS: Tôi vốn định đặt tên bài viết là “Vĩnh biệt màu xanh" như tựa của bài hát của ca sỹ, nhạc sỹ Jimmy Nguyễn. Nhưng có lẽ sự tuyệt đối đó không thể xảy ra trong chạy bộ, bởi ai cũng có thể gặp phải trạng thái tâm lý này hết lần này tới lần khác. Vì thế sau khi tự mình vượt qua trạng thái “Blues", tôi viết bài viết này và đặt tên cho nó là “Tạm biệt màu xanh". Qua những gì tôi chia sẻ, hi vọng anh chị em sẽ có một góc nhìn khác và có thêm những cách đối phó với trạng thái tiêu cực này. 

Chúc mọi người thành công!