STRYD DUO: NỀN TẢNG CHO MỘT KỶ NGUYÊN MỚI VỀ KHOA HỌC CHẠY BỘ?

Bạn, một người ham thích bộ môn thể thao chạy bộ, đã bao giờ bạn nghĩ mình có thể tự ghi lại toàn bộ những chuyển động của đôi bàn chân mình trong khi chạy hay chưa? Cá nhân tôi thực sự tin vào khả năng này, và tôi cũng thực sự tò mò, tôi muốn biết đôi chân của mình chuyển động như thế nào khi chạy, có bị vẹo lệch gì không, có thể cải thiện được gì thêm không, để chạy nhanh hơn, cũng như để phòng ngừa những chấn thương trong quá trình tập luyện.

Và thật hay, mới đây, hãng sản xuất Footpod (*) nổi tiếng Stryd đã đem đến cho cộng đồng chạy bộ một thứ công nghệ có thể làm được việc đó, thứ công nghệ với tên gọi: Stryd Duo, gồm tổng cộng 2 chiếc pod được gắn vào giày của bạn để đo các chỉ số – được cho là hữu ích trong việc hỗ trợ quá trình tập luyện bộ môn chạy.

(*) Footpod: Một loại thiết bị (thường tương đối nhỏ) được gắn vào chân để đo các chỉ số và/hoặc thực hiện một vài chức năng đặc thù trong quá trình sử dụng.

Thêm một chút về Stryd, công ty đứng đằng sau thứ công nghệ này, Stryd là một công ty tiên phong và ủng hộ phương pháp tập luyện chạy bộ theo công suất (Power), thay vì chỉ dựa vào các chỉ số “truyền thống” như nhịp tim (Heart Rate) hay nhịp chạy (Pace). Và Stryd Footpod chính là thiết bị được tạo ra với mục đích ban đầu là để đo được công suất của người chạy bộ.

(Trong khuôn khổ bài viết này, các phần nội dung sẽ chủ yếu đề cập về Stryd Duo, những nội dung liên quan đến chạy bộ theo công suất sẽ được VietMarathoners chia sẻ đến các bạn trong những bài viết chuyên sâu hơn trong tương lai.)

Trở lại với bộ sản phẩm Stryd Dou, hay cụ thể hơn là Stryd Footpath – cái tên mà Stryd đặt cho tính năng ghi lại toàn bộ chuyển động của đôi bàn chân trong không gian 3 chiều, đây có lẽ là thứ thiết bị công nghệ tối tân nhất cho khoa học chạy bộ được đưa ra thị trường vào cuối năm 2023 (09/11/2023).

Nguồn: stryd.com

Những trải nghiệm đầu tiên với Stryd Duo

Tôi bắt đầu sử dụng Stryd Duo từ ngày 16/11/2023, khi đó chân phải tôi đang bị chấn thương cơ gân kheo.

Màu xanh là chân phải, màu cam là chân trái

Nhìn vào hình ảnh trên, có thể thấy rõ một sự chênh lệch giữa hai chân, quỹ đạo chuyển động bên chân phải trông khá “yếu ớt” nếu đem so với bên chân lành lặn còn lại của tôi 😂.

Thử so sánh một bài chạy chậm với một bài chạy tốc độ xem sự khác nhau như thế nào.

Đường nét liền là của bài chạy chậm, đường nét đứt là của bài chạy nhanh

Quỹ đạo chuyển động của bài chạy nhanh trông rộng hơn hẳn so với bài chạy chậm, mọi thứ có vẻ trông vẫn rất hợp lý. Nếu để ý kỹ hơn một chút trong bài chạy chậm, có thể thấy chân phải của tôi (đường nét liền màu xanh) vẫn có quỹ đạo “hẹp” hơn một chút so với chân bên trái (đường nét liền màu cam), hẳn là một sự không cân xứng giữa hai chân mà bình thường khó có thể tự cảm nhận được. Nhớ lại thì, hầu hết những chấn thương trước đây của tôi trong quá trình tập luyện thường bắt đầu từ chân bên phải, sau đó mới đến bên chân trái. Chưa hết, quan sát về độ mòn của đế giày, hay thậm chí là độ mòn của lót giày và độ sờn của tất, tôi cũng thấy có một sự liên kết đến những hình ảnh hiển thị ở phía trên.

Có lẽ dữ liệu về quỹ đạo chuyển động thực sự giúp tôi có thêm một phần thông tin gì đó về tình hình đôi chân của mình. Việc sử dụng chỗ thông tin này để đưa ra tri thức như thế nào, hành động ra làm sao thì chắc hẳn sẽ cần thêm của tôi một khoảng thời gian nữa, và hi vọng tôi có thể chia sẻ những kiến thức này đến các bạn trong những bài viết tiếp theo của VietMarathoners.

Ngoài tính năng nổi bật nhất là Stryd Footpath, Stryd Duo cũng mang đến cho người dùng các chỉ số nâng cao như:

  • Ground Contact Time Balance
  • Vertical Oscillation Balance
  • Leg Spring Stiffness Balance
  • Impact Loading Rate Balance

Tất cả các chỉ số trên cho người tập một cái nhìn tổng quan về sự cân bằng giữa hai chân của mình trong quá trình tập luyện và được tính theo đơn vị phần trăm trên từng chân.

Những điểm thú vị của Stryd Duo nói riêng và Stryd Pod nói chung

(Stryd Pod ở đây được dùng để ám chỉ sản phẩm Footpod của Stryd, không tính đến số lượng được sử dụng là 1 hay 2.)

Stryd thiết kế cho Stryd Duo của họ một khả năng khá thông minh, đó là khả năng tự nhận biết chân trái hay chân phải khi được đeo, người dùng không cần phải quan tâm nên đeo chiếc nào ở chân bên nào mỗi lần tập luyện, Stryd Duo sẽ tự điều chỉnh theo bạn. Chưa hết, nếu chẳng may khi đang sử dụng mà một chiếc bị hết pin hoặc mất kết nối, chiếc còn lại vẫn sẽ hoạt động như bình thường và tiếp tục ghi nhận những chỉ số cơ bản cho bạn.

Đây là một thiết bị cực bền, từ những câu chuyện ly kỳ được rêu rao trên cộng đồng Stryder như việc chiếc Stryd Pod vẫn sống sót sau khi chu du trong máy giặt (có khi tôi phải làm một bài test để kiểm chứng lại điều này 😆). Cho đến những thông tin được xác thực từ những chân chạy lão làng mà tôi quen biết – những người đã sử dụng Stryd Pod trong nhiều năm và qua nhiều phiên bản.

Nguồn: STRYD Community

Đo khoảng cách và nhịp chạy chuẩn nhất trong tất cả các thể loại công nghệ tôi đã từng sử dụng, từ đồng hồ GPS của các hãng cho đến các loại Footpod khác trên thị trường. Stryd không sử dụng GPS mà sử dụng cảm biến chuyển động để đo khoảng cách, nhờ đó không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố môi trường như nhà cao tầng hay điều kiện thời tiết trong việc tính khoảng cách. Tôi đã vài lần có cơ hội đảm nhiệm vị trí pacer (người dẫn tốc) trong các giải chạy của VnExpress Marathon, thực sự Stryd Pod đã hỗ trợ tôi khá nhiều trên những cung đường nhiễu sóng GPS, điển hình là những cung đường trong nội thành Hà Nội.

Xịn là vậy, nhưng chắc hẳn thứ công nghệ này sẽ không dành cho tất cả mọi người

  • Stryd Duo có lẽ không dành cho những người mới đến với chạy bộ, những chỉ số có phần nâng cao của Stryd Duo có thể sẽ khiến bạn bị rối và thậm chí là không biết nên dùng chúng để làm gì.
  • Những người chỉ coi chạy bộ như một bộ môn nâng cao sức khỏe và giải trí thuần tuý, không đặt nặng mục tiêu thành tích và không muốn đi quá sâu vào những khía cạnh của khoa học xung quanh bộ môn này.
  • Giá thành cho một combo Stryd Duo là khá cao, giá hiện tại trên thị trường dao động trong khoảng từ 11 triệu 980 cho đến 13 triệu 380 ngàn VNĐ tùy vào chương trình giảm giá đang được áp dụng. Nếu bạn chỉ đơn thuần muốn xem sự chuyển động của đôi bàn chân cho vui thì có lẽ số tiền bỏ ra là không xứng với những gì bạn sẽ nhận lại được. Tất nhiên, nếu điều kiện kinh tế của bạn quá mạnh thì đấy lại là một câu chuyện khác 🤣.

Thế còn những người sẽ quan tâm và cần đến sản phẩm này là những ai?

  • Những người chạy bộ có kinh nghiệm và quan tâm đến những chỉ số tập luyện, có mong muốn cải thiện thành tích.
  • Những người thường xuyên bị chấn thương trong tập luyện và cần một công cụ hỗ trợ để dễ dàng hơn trong việc theo dõi, đánh giá, cũng như điều chỉnh lại hành vi tập luyện của mình.
  • Những người đam mê công nghệ, muốn trải nghiệm sớm thứ công nghệ sẽ còn có nhiều cải tiến lớn trong tương lai này.

Tất cả những gì được chia sẻ ở trên mới chỉ là hình hài đầu tiên của Stryd Duo, thứ công nghệ này sẽ còn tiếp tục được phát triển trong tương lai, và tôi thấy một tiềm năng rất lớn nằm trong đó. Những dữ liệu mà Stryd Duo thu thập được rất có thể sẽ được các nhóm nghiên cứu khai thác để đưa ra nhiều thông tin hữu ích khác dành cho người dùng cuối, chính là chúng ta, những người chạy bộ. Và biết đâu trong tương lai gần, cộng đồng khoa học sẽ có thêm nhiều những công trình nghiên cứu để tìm ra mối liên hệ giữa chấn thương và quỹ đạo chuyển động của đôi bàn chân, có lẽ là vậy. Hi vọng Stryd Duo có thể trở thành nền tảng cho một kỷ nguyên mới về khoa học chạy bộ. Chúng ta hãy cùng chờ xem các bạn nhé 😉.